10 Năm…Một Chặng Đường – Công Tác Bảo Vệ Mầm Sống
10 Năm…Một Chặng Đường – Công Tác Bảo Vệ Mầm Sống
- CÔNG TÁC TƯ VẤN CỨU MẠNG SỐNG:
Khởi đầu vào tháng 9/2005, chúng tôi – một nhóm Cơ Đốc thiện nguyện tại Quận 9, TP. HCM được giục giã trong lĩnh vực “Cứu mạng sống thai nhi”. Khoảng 2 tuần sau, thật trùng hợp khi chúng tôi được biết có một người huấn luyện từ phương xa đến Việt Nam để chia sẻ về “Công tác bảo vệ sự sống” mà nội dung chủ yếu là về bảo vệ sự sống thai nhi. Thật ra trong Chúa không có gì là trùng hợp, Chúa đã giục giã lòng chúng tôi trong công tác này thì nay Ngài trang bị kiến thức cho chúng tôi, vì thế chúng tôi đăng kí tham gia khóa học trong ba ngày này ngay. Người tham gia lớp huấn luyện đa phần là nữ giới gồm các bà mục sư, thanh niên, nhân sự truyền giáo, chứng đạo EE, vv.. Thời điểm đó, tuy có khó khăn trong địa điểm tổ chức (trong 3 ngày, lớp học phải tổ chức tại 3 Hội Thánh khác nhau) nhưng đó thật là một khóa huấn luyện phước hạnh.
Ngày kết thúc, có một số chị em cảm động với công tác này đã hứa nguyện sẽ tìm phương hướng hầu việc Chúa trong lĩnh vực này. Riêng nhóm y tế thiện nguyện của Phòng Khám Phước Long (PKPL) chúng tôi đã biết rất rõ về sự kêu gọi của Chúa nên sau đó chúng tôi quyết tâm dấn thân thực hiện công tác này. Kết quả bước đầu với bốn ca chịu giữ thai lại vào năm 2006. Mỗi bà mẹ lầm lỡ đều có một nan đề éo le đã cảm động lòng các y bác sĩ, nhân viên tại , khiến viết nên những câu chuyện, tuy văn vẻ không hay nhưng đó là sự thật! Trong tập san này, chúng tôi xin phép đăng những câu chuyện tư vấn thành công đầu tiên đó.
- Thạch Bé Ba, người Khơ-me, quê Trà Vinh, bán quán ốc ở quận 8 – Câu chuyện được ghi lại có tựa đề “Ba ngày một số mạng”.(trang…)
- Thư Hương, một cô gái trẻ xinh đẹp ở tại quận 9 – Câu chuyện “Sứ mạng”.(trang.)
- Cháu Huyền Anh, 17 tuổi, quê ở Bà Rịa, Vũng Tàu – Câu chuyện “Số xui”.(trang…)
- Một thiếu nữ Cơ Đốc tại TP HCM (xin được giấu tên) – “Khủng hoảng cực kỳ”. (trang.)
Các bé sinh ra trong bốn ca đầu tiên đó đều được đưa về nhà, ông bà nội ngoại vui nhận nuôi. Thời điểm đó, các cô gái đều được nghe về Chúa và hiểu tình yêu thương của Chúa. Chúng tôi thường xuyên cầu nguyện cho họ, ba bà mẹ trong số đó được người yêu quay lại đón nhận và làm đám cưới. Địa điểm ban đầu cho các bà mẹ cơ nhỡ ở là chính PKPL Quận 9. Việc chăm sóc thai phụ và bé sơ sinh là do nhân viên PKPL phụ trách; chăm sóc thuộc linh là thầy Trung – cô Hồng, Hội Thánh Phước Bình; góp phần tài chính là cô Bảo – một ân nhân ở Quận 8.
Năm 2007, có mười ca giữ lại thai nhi sau khi nghe tư vấn, họ trở về nhờ chúng tôi giúp đỡ. Một trường hợp là sinh viên Đoan Trinh, cô Minh Phương (nhân sự công tác Bảo Vệ Mầm Sống) đưa về nhà mình nuôi. Còn chín trường hợp, chúng tôi thuê nhà trọ xung quanh PKPL cho họ ở. Riêng em Đinh Thị Bảo, người dân tộc H’Rê được ở tại phòng khám do bị liệt nửa người và là con cái Chúa, câu chuyện về em cũng thật cảm động, được viết với tựa đề “Cô gái bệnh tê tê” đăng trong tập san Công tác Bảo Vệ Mầm Sống (BVMS) nhân 100 năm Tin Lành đến Việt Nam. Sáu em bé sinh ra được đem về nuôi, bỏ lại bốn bé được chúng tôi nuôi dưỡng tại PKPL.
Do đã có nhiều bà mẹ giữ thai nên chúng tôi mong ước có một ngôi nhà Phúc Âm khi liên hệ đến “Thành Ân Náu” làm nơi trú ẩn cho họ như Chúa đã dạy trong Kinh Thánh. Thời gian này, thầy Nguyễn Đình Trung và cô Ngô Thị Hồng (hiện nay là ông bà mục sư Nguyễn Đình Trung, Quản Nhiệm Hội Thánh Chánh Hưng) cùng với PKPL chăm sóc cho thai phụ và bé bị bỏ rơi cả về thuộc thể lẫn thuộc linh. Cô Hồng đưa thai phụ đi sinh, an ủi và giúp niềm tin cho các em “vượt cạn”.
Bốn bé bị bỏ lại là: Thanh Duy, Hồng Ân, Thanh Tâm và Thủy Thương được nuôi tại PKPL do nhân viên y tế. Tuy nhiên, ban đêm khi nhân viên y tế về nhà thì bác sĩ Hằng và cô Hồng thay nhau trực đêm, chia ca để chăm sóc liên tục nhiều tháng trôi qua. Chúng tôi thật bất ngờ khi nhận món quà sự sống này. Thật vinh dự và quý báu thay! Bởi lẽ ra các em đã bị hư nát mà nay được sống toàn vẹn. Chúng tôi vui quá không biết mệt là gì. Tuy nhiên, không thể bỏ nhà cửa, gia đình và các công việc khác mặc dù các ông chồng và con cái cũng rất cảm thông, cùng đồng một tấm lòng nên chúng tôi mới làm được.
Sau đó chúng tôi thuê nhà và thuê một gia đình chăm nuôi các bé. Họ nuôi được khoảng năm tháng thì chúng tôi phải ngừng lại do bà cụ của gia đình đó ốm nặng không thể chăm sóc bé được. Một lần nữa, các cháu được chuyển về một nơi ở khác. Đó là sang chỗ ở của cô Bảo. Cô Bảo là ân nhân từ ban đầu trong chương trình BVMS hỗ trợ các bà bầu cơ nhỡ. Cô không hề nghĩ sẽ có chuyện bà mẹ bỏ trẻ lại và cô cũng chưa cảm động để nuôi các bé. Nhưng lúc đó, gần đến Tết Âm Lịch rồi, chúng tôi nhờ cô nuôi tạm để qua Tết tính tiếp. Lúc ấy, chú Taylor chồng cô lại tỏ ra rất sốt sắng, bồng ẵm nâng niu các bé, chú rất đảm đang, vừa lau nhà, dọn dẹp chỗ ở cho các bé, vừa pha sữa, thay tả,… làm mọi việc rất khéo léo, phụ nữ cũng không dám so bằng. Tôi yên lòng gởi các em bé lại cho vợ chông cô Bảo. Qua Tết Âm Lịch, tôi quay trở lại để bàn tính, bấy giờ cô Bảo thốt lên: “Cảm ơn Chúa đã cho cô nuôi các bé nầy, cô thấy đây là việc tốt nhất từ trước đến nay hầu việc Chúa. Cô yêu bé, yêu mến công việc nầy và xin được tiếp tục dài lâu.” Rồi cô và tôi cùng quy định với nhau trong chương trình Bảo Vệ Mầm Sống, bên tôi mảng Y tế, giúp ra đi tư vấn Cứu mạng sống, chăm sóc bầu, truyền giáo, giúp sinh đẻ, nuôi bé sơ sinh, sau 1-2 tháng nếu bé bỏ lại sẽ gởi sang cô Bảo. Vợ chồng cô Bảo đã nghỉ hưu, tình nguyện làm chương trình BVMS nầy trong lĩnh vực nuôi trẻ bỏ rơi.
Sóng gió đã xảy ra với bốn bé bỏ lại đầu tiên trong chương trình Bảo Vệ Mầm Sống là như vậy và sau nầy còn thêm nhiều chuyện khác, nhưng Đức Chúa Trời quyền năng luôn bảo vệ che chở các cháu cùng những người hầu việc Ngài cách an lành.
Năm 2008-2009, các cô bầu giữ thai lại khoảng mười hai người. Bấy giờ, chúng tôi thuê được một căn nhà ở đường 11, phường Phước Bình, quận 9, tạm gọi là Nhà Phúc Âm. Hầu hết, các em đều tiếp nhận Chúa cách vui mừng, vì họ vào nhà Phúc Âm, được nghe nói Lời Chúa, được an ủi, yêu thương, họ không còn sợ sệt, mặc cảm hay lo lắng nữa. Tôi chẳng biết làm chứng, truyền giáo gì cả, nhưng cứ bằng việc làm yêu thương, chăm sóc, giúp đỡ, (việc dạy đạo là của thầy Trung, cô Hồng và nhân sự Hội Thánh Phước Bình). Thế mà, có em nói với tôi: “Bác ơi, con muốn theo đạo của bác”. Qủa thật, đức tin phải đi đôi với việc làm lành. Kinh Thánh nói: “Về đức tin, cũng một lẽ ấy, nếu đức tin không sanh ra việc làm, thì tự mình nó chết” (Gia-cơ 2:17).
Trong số những thai phụ nầy, đáng chú ý nhất là Lã Thị Thanh Huyền, một con cái Chúa, quê ở Hải Phòng, thai nhi bị tật nặng, sợ hãi vì bệnh viện yêu cầu phải phá bỏ bé. Thai nhi đã trên năm tháng nếu phá bỏ sẽ ảnh hưởng nhiều sức khỏe người mẹ. Vả lại, là con cái Chúa mà làm việc đại ác đó thì có sống bình yên được nữa không? Mục sư Ngành, thầy Trung cùng hết thảy chúng tôi phải thường xuyên cầu nguyện để chiến đấu với trận chiến nầy. Câu chuyện được viết có tựa đề: “Huyền nhiệm thay” ghi lại trong tập san Bảo Vệ Mầm Sống 100 năm Tin Lành đến Việt Nam. Các bé sinh ra hầu hết được mẹ mang về nuôi dưỡng, bỏ lại hai chau, bé trai: Phạm Ngọc Tử Bửu (còn gọi là Giô-suê) và bé gái: Văn Thị Hoàng Bích (còn gọi là Đức Tin), được gởi sang cô Bảo nuôi giúp.
Năm 2010-2011: Tạ ơn Chúa đã cho nhóm chúng tôi xây được một lốc nhà bốn tầng ngay sau lưng phòng khám Phước Long. Từ đó, đã có nơi ổn định giúp những người cơ nhỡ trong chương trình Bảo Vệ Mầm Sống được nương náu và bé bỏ rơi được có chỗ nuôi nấng. Đây là giai đoạn đỉnh điểm của chương trình Bảo Vệ Mầm Sống, số nhân sự ra đi tư vấn khá đông, điều kiện thuận lợi, vì chúng tôi đã trải qua nhiều năm huấn luyện, chia sẻ; khiến nhiều người, nhiều nơi nghe biết và lan truyền tin tức tốt lành, biết khuyên bảo: “Cứu mạng sống”, giúp những cô bầu lầm lỡ có lối thoát, được vào nhà Phúc Âm ẩn náu. Vì thế, số lượng thai phụ vào nhà Phúc Âm trong hai năm này tăng cao là 34 người. Việc chăm sóc thai phụ cũng rất vất vả như việc dạy đạo, sống đạo. Sinh đẻ ở nhiều bệnh viện tùy mỗi trường hợp và rất nhiều chuyện xảy ra,… không thể kể hết, tuy nhiên, cứ hết lòng nhờ cậy Chúa trong mọi sự, cứ cầu nguyện mãi mãi không thôi thì Chúa sẽ giải quyết các nan đề từ khó trở nên dễ, từ nặng nề hóa ra nhẹ nhàng. Có thể ghi nhận:
Cô Xuân: sinh đôi, được người yêu là người Hàn Quốc quay về nhận con, cưới; được Hội Thánh Hàn Quốc chăm sóc, anh ta tin Chúa. Cô Xuân thỉnh thoảng trở về nhà Phúc Âm dâng hiến và thăm các cô. Nhung – Thông: đem con về nuôi được gia đình nội, ngoại chấp nhận, rồi cho cưới nhau. Thỉnh thoảng gọi điện thoại thăm hỏi và cảm ơn các cô.
Một bà mẹ tâm thần nuôi con tại nhà Phúc Âm nhưng do sơ suất, không theo dõi sát đã bị đi lạc (hoặc ai dụ dỗ) bồng bé đi mất!
Bé Hạo Nam bị não úng thủy lúc hai tháng được chị Thu Hà (nhóm tư vấn) nuôi đến sáu tháng thì gởi vào Cô nhi viện khuyết tật Gò Vấp.
Hầu hết các bé sinh ra khỏe mạnh, được mẹ mang về, luôn luôn có bà ngoại (hoặc người thân gia đình) đến giúp đỡ.
Các bé bỏ lại là:
- Thiên Phước, suy dinh dưỡng, tim bẩm sinh
- Thiên Quang, sức khỏe bình thường
- Thiên Định, sinh non, hen phế quản
- Thiên Quốc: rất xinh trai, nhung ôm yếu
- Thiên Tứ: sức khỏe bình thường
- Thiên Khải: sức khỏe bình thường Cùng thời điểm đó, có một bé trai bị sứt môi, con của một nhân viên y tế, sinh ngoài ý muốn, được nhàPhúc Âm cưu mang. Do đó, tổng số các cháu vào thời điểm này là 7 bé trai.
Nhà mới Phúc Âm, Chúa cho rất vui và phước hạnh với món quà: bảy bé trai bỏ lại trong giai đoạn nầy. Mặc dầu, cháu đầu tiên gọi là anh hai, tức bé Thiên Phước, trông thật thảm hại: đủ các loại bệnh nên mẹ mới bỏ. Vừa suy dinh dưỡng từ trong bào thai, tim bẩm sinh, nuôi hoài không lên cân. Thường xuyên bị bệnh tim phổi phải cấp cứu, nằm bệnh viện Nhi Đồng 2, cho đến khi được mổ tim xong, về sau bé bớt bệnh nặng. Người nuôi dưỡng bé Phước là chị Trần Thị Ánh, sinh năm 1963, quê ở Bình Thuận. Về sau cô Xuân An, con chị Ánh, tiếp tục cùng chị Ánh và một nữ hộ sinh trẻ tuổi là cô Hoàng Thị Thu Sương cùng nhau chăm sóc và nuôi dưỡng các bé bỏ lại ngay khi sơ sinh.
Bé Phước về sau phát hiện thêm bị câm điếc. Tuy vậy, bé rất thông minh, lanh lẹ và thích viết, thích vẽ. Công việc chăm sóc bầu đã vất vả nhưng nuôi trẻ còn cực nhọc hơn nhiều, nhất là phải thức đêm hôm, khi đau ốm, đi bệnh viện, nuôi bé trong bệnh viện,… Qủa là “công khó của anh em trong Chúa chẳng phải là vô ích đâu.” (ICô-rinh-tô 15:58c). Chúa biết mọi sự, Chúa biết tấm lòng và việc làm của mỗi chúng ta, Chúa sẽ thưởng cho mỗi người.
Về tài chánh: Chúa cảm động tôi – con Chúa khắp nơi dâng hiến cho công tác BVMS, nhưng chủ lực vẫn là bà mục sư Ưng Sinh và Hội Thánh của bà. Nguyện Chúa ban phước dư dật trên quý ân nhân.
Năm 2012 – 2013 có khoảng 20 cô bầu vào nhà Phúc Âm. Đặc biệt có thai phụ Hồ Thị Châu, người dân tộc Pacô ở Quảng Trị sinh đôi (một trai một gái), được nuôi tại nhà Phúc Âm hai tháng. Sau đó, được chị Lệ Thanh đưa mẹ và hai bé về tận quê nhà, làm chứng về Chúa cho gia đình. Sau đó, chị Thanh có quay lại làng người Pacô nầy một lần nữa để thăm gia đình em Châu và tiếp tục làm chứng. Đây là cách truyền giáo mà chương trình Bảo Vệ Mầm Sống mong ước. Vì mỗi bé được cứu sống, sinh ra; mẹ mang về nhà, gia đình công nhận; thì họ đều đã có tình yêu với con người và biết ơn người đã cứu con, cháu họ; cho nên công việc truyền giáo khá thuận lợi. Họ rất biết ơn và coi chúng tôi như ân nhân, còn chúng tôi coi họ như một nguồn thân hữu. Truyền giáo cho cả nhà, chúng tôi gọi là: “bứng cả rễ”.
Hầu hết, các bé sinh ra được mẹ yêu thương, đúng với lẽ tự nhiên của Thượng Đế. Trước đó, các bầu lầm lỡ sẵn sàng phá bỏ con mình, khăng khăng không chịu giữ. Trong những ngày nuôi tại nhà Phúc Âm chờ ngày sinh nở, các bầu vẫn khẳng định khi sinh con ra sẽ gởi bé ở lại cho các cô, không thể mang về, vì nhiều lí do, sợ hãi, xấu hổ,… không có điều kiện nuôi, nhà nghèo, đang đi học, đi làm,… Nhưng giờ đây, sau khi sinh bé ra, các cô thay đổi suy nghĩ: không bỏ bé nữa, dứt khoát đem về, sẽ tiếp tục nuôi, dù phải đi ăn xin! Các cô nói: “Thấy mặt rồi không thể bỏ được, thương con lắm.” Ban đầu chúng tôi tưởng các cô lừa gạt nhà Phúc Âm, mang con về để bán cho người khác. Tuy nhiên, về sau chúng tôi nhận ra họ đều thương và nuôi con thật. Đúng là TÌNH MẪU TỬ! Điều nầy nhắc nhở người phục vụ trong nhà Phúc Âm phải dạy cho các bà mẹ trẻ yêu thương con, biết nuôi con và có đời sống tâm linh tốt. Tất cả các bà mẹ khi lưu trú tại nhà Phúc Âm đều tin Chúa và hầu hết được làm phép Báp Tem, do đó giúp đời sống tin kính, biết nhờ cậy Chúa, thì họ trở về nuôi con sẽ tốt hơn. Chúng tôi vẫn tiếp tục theo dõi họ; nếu được Hội Thánh địa phương chăm sóc kĩ lưỡng thì họ mới đứng vững được.
Năm 2013 nhà Phúc Âm có thêm ba bé gái: Nhã Ca, Rutơ, Thanh Thiên. Bé Thanh Thiên bị não úng thủy không mổ được dù đã nhiều lần đi khám và chụp X-Quang, MIR, CT. Bé vẫn còn ở nhà Phúc Âm, khá dễ nuôi, bệnh tật não nhưng chúng tôi cảm thấy dường như bé có vẻ biết, có khi cũng đùa chơi với mọi người. Chúa bù cho hai bé gái còn lại thật xinh xắn, lanh lẹ, khôn ngoan. Ai cũng trầm trồ.
Năm 2014 – 2015 có khoảng 14 cô bầu vào nhà Phúc Âm (tính đến tháng tám/2015). Giai đoạn nầy, các cô đi tư vấn rất khó, bị trở ngại nhiều. các bà bầu vào nhà Phúc Âm giảm đi. Công việc nuôi trẻ lại tăng lên, trẻ tăng số lượng và nhu cầu nuôi trẻ đòi hỏi phải chất lượng hơn. Nhân sự nhà Phúc Âm không ổn định, luôn luôn thiếu người. Trẻ bỏ rơi cần tình thương, nếu người chăm sóc thờ ơ và chỉ làm cho xong việc mà không yêu thương, không hiểu tâm lý bé, bé sẽ chống đối, bướng bỉnh, quậy phá, không nghe lời và rất khó dạy. Ngược lại, bằng sự cầu nguyện, giải thích rõ ràng khi trẻ có lỗi, an ủi, dỗ dành, yêu thương, thường xuyên khích lệ, khen thưởng sẽ giúp trẻ hiền lành, biết ơn và dễ dạy bảo. Các bé bỏ lại gồm:
- Bé gái: Thiên Hà, sinh ra bị sứt môi, nay môi bé đã được vá đẹp đẽ bởi một bác sĩ nước ngoài trong chương trình “Phẫu thuật nụ cười”
- Bé trai: Thiên Minh bỏ lại lúc một tháng tuổi, đến nay đã 14 tháng, sức khỏe bình thường.
Tháng 5/2015, có một bé trai được cho vào nhà Phúc Âm từ một gia đình ở Hồng Ngự, Đồng Tháp. Mẹ là học sinh lớp 11 mang thai lầm lỡ suốt tám tháng mà gia đình không biết. Sau đó, sinh nghi, mẹ đưa cô bé ra bệnh viện khám mới phát hiện thai trên tám tháng. Qúa bất ngờ và sợ hãi nên mẹ-con giấu diếm mọi người, chờ ngày sinh nở, là bỏ bé luôn ở bệnh viện. Bé được bà dì không có con đem về nuôi, nhưng bà dì không biết nuôi , để bé dơ bẩn, không tắm, không làm rốn. Lúc đó, bé còn bị đi tiêu lỏng và đi cầu ra máu nên sợ không dám nuôi. Họ liên hệ qua một con cái Chúa tại Hội Thánh Trương Minh Giảng – là cô Ý Duyên – biết có nhà Phúc Âm trong chương trình Bảo Vệ Mầm Sống nên đem bé lên cho.
Bé vào nhà Phúc Âm mới có năm ngày tuổi.Chúng tôi chăm sóc, nuôi dưỡng, cầu nguyện đặc biệt cho bé, thì hai ngày sau bé hết tiêu máu, rốn cũng khô sạch. Bé bình thường, không bệnh gì đặc biệt. Đặt tên là Nguyễn Thiên Hân. Nuôi hai tháng, có một đầy tớ Chúa sang thăm và trình bày khải tượng nuôi trẻ mồ côi, đặc biệt bà cũng rất quan tâm công tác Bảo Vệ Mầm Sống. Bà mục sư và gia đình tỏ lòng ao ước được nuôi trẻ và mong nhà Phúc Âm chia sẻ bớt công việc, để bà có thể bắt đầu mở một Cô nhi viện – Dưỡng lão. Chúng tôi đã trao bé trai hơn hai tháng tuổi này gởi gia đình bà mục sư nuôi giúp. Theo kế hoạch, nhà Phúc Âm quận 9 dự kiến trước mắt là nuôi khoảng mười bé, để vừa đủ chỗ ăn, học,… và vừa sức chúng tôi chăm lo cho các bé. Hiện nay, tổng cộng là 11 bé (trong đó có một bé khuyết tật não). Cho nên, bé thứ 12 này (Thiên Hân), mặc dầu rất thương bé nhưng chúng tôi quyết định trong thời gian tới sẽ gởi sang một gia đình khác nuôi.
Suốt mười năm qua công tác Bảo Vệ Mầm Sống đã tư vấn hàng ngàn thai phụ đi bỏ con, có thể cả ngàn người đã nghe và giữ thai. Khoảng 100 bà mẹ cơ nhỡ vào nhà Phúc Âm quận 9 (có danh sách), trong đó có khoảng 10 người là con cái Chúa lầm lỡ. Các bé có hoàn cảnh và bị bỏ lại: 20 bé, 7 bé gởi sang cô Bảo, 13 bé tại nhà Phúc Âm quận 9, 2 bé não úng thủy (đã gởi 1 bé vào Cô Nhi viện khuyết tật Gò Vấp, sau đó bé qua đời). Còn 12 bé: nhà Phúc Âm quận 9 nuôi 11 bé, chia sẻ một bé sang gia đình mới ở quận Bình Thạnh.
2. CÔNG TÁC HUẤN LUYỆN BẢO VỆ MẦM SỐNG NĂM 2005-2007
Sau nhiều đợt được huấn luyện học tập, chúng tôi thực hành ra đi tư vấn. Song song là chia sẻ chuyên đề y tế, chuyên đề Bảo Vệ Mầm Sống (BVMS) cho nhiều Hội Thánh trong thành phố Hồ Chí Minh và đến các tỉnh khác. Cuối năm 2006, chuyên đề BVMS lần đầu tiên được giới thiệu ra Bắc tại một Hội Thánh Tin Lành ở Hải Phòng đã được phụ nữ miền Bắc hưởng ứng. Năm 2007, tôi được mời ra Hà Nội để giới thiệu chuyên đề BVMS cho một nhóm giáo sĩ Tin Lành. Sau khi nghe xong, họ quyết định mời ra huấn luyện tại miền Bắc trong vòng hai năm giúp con cái Chúa. Họ nói với tôi rằng: “Công tác này không chỉ quan trọng để cứu người mà còn KHÂN CẤP nữa”. Tôi chợt nhớ đến lời của một bác sĩ siêu âm PKPL ngày đó khi tư vấn cho một em bầu muốn phá thai, bác sĩ chỉ vào hình ảnh thai nhi trong máy siêu âm cho cô ta thấy em bé là con người, đầu, mình, tay chân, tim đập,… rổi cố nói hết sức để em bầu hiểu và rồi em bầu đã bỏ ý định đi phá thai. Bác sĩ đó thấm mệt, thở một hơi dài rồi nói: “Cứu người như cứu lửa là vậy đó! Không nói tới cùng là nó đi nơi khác, chỉ cần 30 phút sau, thai nhi sẽ bị xé và lôi ra ngoài. Đúng là phải KHẨN CẤP!”
Năm 2008 – 2011 Công tác huấn luyện tại miền Bắc: chúng tôi đến với phụ nữ miền Bắc tại Hải Phòng, phụ nữ tại Hoành Nhị (Nam Định), Bắc Sơn, v.v.. Tại Hà Nội, nhóm chúng tôi chia sẻ cho ban ngành thanh niên, thanh tráng. Chúng tôi cũng chia sẻ tại hội trại Thanh Thiếu niên ở Hoành Nhị và một số Hội Thánh Tin Lành khác tại miền Bắc.
Công tác huấn luyện tại miền Nam: chúng tôi đã chia sẻ cho nhiều Hội Thánh Tin Lành tại thành phố Hồ Chí Minh trong các ban ngành Thanh Thiếu niên. Công tác BVMS đã được giới thiệu cho các Hội Thánh Ngãi Giao, Gia Ray, Vũng Tàu, vv. Ở miền Tây, chúng tôi đã dến với phụ nữ Bến Tre, An Hữu, Vĩnh Long, … Tại miền Trung, chúng cũng huấn luyện chương trình này tại Nha Trang, Tuy Hòa và Quảng Nam chỉ rải rác một số nơi, cho vài ban ngành thôi nhưng đã có chuyển biến rõ, số người quan tâm tăng lên, số người ra đi tư vấn tăng cao và kết quả là số bà mẹ được cứu tăng đỉnh điểm.
Năm 2012 – 2013
Chương trình huấn luyện được tiếp tục tại Bình Thuận, Phan Thiết, một số nơi tại Đăk-lăk, Hội Thánh Nhị Mỹ-Đồng Tháp và một vài hội trại Thanh Thiếu niên ở Nha Trang và Bình Giã. Chúng tôi được chia sẻ chuyên đề “Điều Kỳ Điệu Sự Sống” tại Hội đồng Bồi linh Phụ nữ tỉnh Lâm Đồng trong một chuyến đi cùng cô truyền đạo Trần thị Li ễu lên thăm phụ nữ vùng cao vào tháng 3/2013. Sau đó, công tác huấn luyện giảm dần đi vì công việc nhà Phúc Âm tăng, bé bỏ lại cần nuôi dưỡng và chăm sóc nhiều hơn; thai phụ nhiều, cũng phải sát sao trong việc thăm khám, theo dõi thai kì; nếu sơ suất là có thể nguy hiểm tính mạng mẹ và con. Công việc huấn luyện BVMS cơ bản là kiến thức y khoa, tôi là bác sĩ có thể làm được, nhưng chưa có thêm người cộng tác với mình, nếu đi huấn luyện thì ở nhà Phúc Âm và phòng khám Phước Long phải có một bác sĩ khác thì tôi mới yên lòng, vì cần có sự chăm sóc cho thai phụ, lo việc sinh đẻ và chăm sóc các bé nhỏ khi đau ốm tại nhà Phúc Âm.
Năm 2014 – 2015
Chúng tôi trở lại miền Bắc để đến với phụ nữ Hội Thánh Thái Nguyên và nhóm Thanh niên, sinh viên để chia sẻ chuyên để. Trong hai năm này, nhiều con cái Chúa vẫn nhắc nhở, kêu gọi mở lớp để được tham gia, tìm hiểu nhưng công việc tại nhà Phúc Âm ngày càng áp lực hơn với số bé tăng lên nên chúng tôi chưa thể tiếp tục tổ chức huấn luyện. Cũng thời điểm này, chúng tôi gặp thách thức lớn về nhân sự. Các trẻ dần lớn nhưng không đủ người có nghiệp vụ nuôi dạy trẻ, số lượng nhân sự lại không ổn định nên các cô dễ nản chí, mặc dầu các cô vẫn rất yêu thương trẻ. Những dịp lễ, Tết là lúc chúng tôi sống cùng các bé ngày và đêm, vừa lo nấu nướng, chăm ăn, chơi, dạy, rồi đêm cũng ngủ chập chờn để lo cho các bé sơ sinh. Tuy vậy, những tháng năm được ở gần trẻ, chính tay mình nuôi trẻ mới thấy yêu trẻ nhiều hơn. Trẻ bỏ rơi rất tội nghiệp, các em luôn luôn sợ hãi, cần được bảo vệ, ấp ủ, yêu thương. Có trẻ khóc hoài vì chỉ mong có người bồng ẵm mình lâu hơn. Có bé thì ngoan, chỉ cần nghe vài bài thánh ca đã ngủ cách bình yên. Có bé rất thích thời giờ nhóm gia đình lễ bái. Thực hiện công việc cô nhi đòi hỏi tấm lòng yêu thương, quí trọng trẻ em như con của mình, đồng thời phải cầu nguyện thật nhiều cho từng đứa trẻ, cầu nguyện cho chính mình cũng như cho những người cùng làm việc với mình thì công việc mới kết quả được.
Trong công tác huấn luyện BVMS, không thể quên việc chính yếu tại nhà Phúc Âm, đó là làm chứng, dạy đạo cho các cô bầu và hướng dẫn họ một đời sống mới ngay lành, hướng thiện nhằm giúp họ sau sinh trở về xã hội và gia đình. Họ sẽ trở nên chứng nhân cho Chúa. Các tôi tớ Chúa trong công tác BVMS và nhân sự tại Hội Thánh Phước Bình, quận 9, thành phố Hồ Chí Minh cùng hỗ trợ trong công việc này. Hàng ngày, cả nhà đều học Kinh Thánh theo tài liệu Kinh Thánh Hàng Ngày. Mỗi tuần, cả nhà Phúc Âm học Kinh Thánh chung một lần với cố vấn theo các tài liệu dành cho người mới tiếp nhận Chúa, ví dụ như:
- Giáo Lý căn bản (Báp-têm)
- Tăng Trưởng
- 8 cột trụ cứu rỗi
- Sống theo đúng mục đích
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng thường xuyên dạy họ về tình yêu – hôn nhân và nuôi dạy con nên người hữu dụng cho Đức Chúa Trời.
Riêng nhân sự BVMS họp lại hàng tháng cùng thờ phượng, học Kinh Thánh, có bà mục sư Ưng Sinh hoặc bà mục sư Nguyễn Đình Trung chia sẻ Lời Chúa. Đây cũng là thời gian các nhân sự báo cáo, lượng giá công việc trong tháng của mình để cùng chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau và nhất là dành thật nhiều thì giờ cùng nhau cầu nguyện. Chúng tôi nhận biết đây là thời giờ quan trọng và cần thiết cho sự dấn thân của mỗi chúng tôi. Tuy mỗi tháng chỉ có một lần nhưng ai nấy đều cảm thấy ý nghĩa và phước hạnh, có nhiều chị em ở xa vẫn không vắng mặt buổi nào. Qua thời giờ thông công với Chúa và với nhau, chúng tôi được sức mới, được khích lệ, cảm thông và hiệp một. Nhiều nan đề được giải quyết, tình yêu Chúa, yêu tha nhân thôi thúc chúng tôi vững bước tiến lên.
3. ĐỊNH HƯỚNG TƯƠNG LAI
Sau nhiều năm thực hiện công tác này, Chúa đã ban phước cho công việc kết quả và phát triển từ một công tác thành hai mảng công việc, đó là
b. Bảo Vệ Mầm Sống: mảng này tập trung về các bà bầu cơ nhỡ, bao gồm tư vấn, nuôi đưỡng, chăm sóc, lo sinh đẻ, giới thiệu về Chúa, dạy đạo cho các bà bầu và chăm sóc bé sơ sinh.
c. Cô nhi: mảng này tập trung về các cháu bé bị bỏ lại, bao gồm chăm sóc, dạy đạo giúp các cháu hòa nhập cộng đồng, dạy kiến thức văn hóa, dạy nghề cho đến khi trưởng thành, có khả năng tự sống độc lập.
Các công việc dự định thực hiện trong thời gian sắp tới
Nhân rộng bằng cách huấn luyện, giáo dục và môn đồ hóa:
Thực hiện chia sẻ bài dạy qua VCD để đáp ứng nhu cầu phát triển.
Tìm người thừa kế và phát triển nhân sự.
Tăng cường việc giáo dục cho giới trẻ trong Hội Thánh theo phương châm: “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”, “Phòng cháy hơn chữa cháy”.
Thường xuyên tổ chức nói chuyện, sinh hoạt chuyên đề, phổ biến kiến thức, giúp giới trẻ thay đổi nhận thức với những suy nghĩ và lối sống sai trật của tuổi trẻ trong xã hội ngày nay, đặc biệt trong giới sinh viên và công nhân.
Về lĩnh vực cô nhi, nhân sự cần được trang bị kiến thức nuôi dạy, chăm sóc, yêu thương trẻ thơ và các kiến thức khác về quản lý, tổ chức, y tế, tài chánh, v.v..
Một Cô Nhi viện Tin Lành được hình thành:
Mong ước một Cô nhi viện Tin Lành hợp pháp, có giấy phép, đầy đủ tiện nghi, rộng rãi, dư đủ nhân sự, có nhiều người có tấm lòng yêu Chúa, yêu trẻ mồ côi, tình nguyện phục vụ để nuôi thật tốt những trẻ bỏ rơi trong chương trình Bảo Vệ Mầm Sống (khác với nuôi trẻ mồ côi tình thương); có định hướng các trẻ trở thành người hầu việc Chúa trong tương lai. Một Cô nhi viện Tin Lành được khen ngợi giữa xã hội chúng ta đang sống sẽ là sự sáng của thế gian. “Sự sáng các ngươi hãy soi trước mặt người ta như vậy, đặng họ thấy những việc lành của các ngươi, và ngợi khen Cha các ngươi ở trên trời” (Ma-thi-ơ 5:16).
Hiện thời chưa có Cô nhi viện Tin Lành, thì các mái ấm Phúc Âm cùng các gia đình nhỏ chia nhau nhận nuôi vài ba trẻ bỏ rơi, có lẽ sẽ là mô hình tốt cho công việc nuôi dạy các trẻ hiện nay, giúp trẻ được bảo vệ, yêu thương, sớm phát triển tâm sinh lí bình thường và dễ hòa nhập vào cộng đồng.