Tôi Đã Tham Gia Nạo Phá Thai

Spread the love

Tôi Đã Tham Gia Nạo Phá Thai

Tôi Đã Tham Gia Nạo Hút Thai…

Là một sinh viên Y Khoa, tôi chưa bao giờ biết xúc động day dứt trước những cảnh nạo hút thai đang diễn ra liên tục và hằng ngày tại những bệnh viện mà chúng tôi đến thực tập. Nhưng từ ngày biết đến chương trình Bảo Vệ Sự Sống, tôi thật sự rùng mình khi nghĩ đến những hành động mà tôi đã làm trong những năm qua. Năm trước, tôi được phân thực tập tại một bệnh viện phụ sản lớn nhất nhì nước. Vì thời gian thực tập rất ngắn, khoảng 10 tuần cho 8 chuyên khoa nên phải học tập thật tích cực mới nắm bắt được hết kiến thức của từng khoa. Khi chuyển đến khoa nạo hút, chỉ tiêu của chúng tôi là phải xem tận mắt và phụ tận tay cho được việc nạo hút ít nhất là…hai thai nhi! Vì đó là một bài học vừa lý thuyết vừa thực hành để thi. Và để thi cho tốt, tôi phải năng nổ tìm mọi cách làm cho được việc nạo hút thai đó…

Tôi Đã Tham Gia Nạo Phá Thai

Lúc đó tôi không hề biết công việc này là một tội ác, mà chỉ nghĩ thuần túy là một bài học chuyên môn Y khoa được dạy đàng hoàng trong một trường Đại học nổi tiếng ở Sài Gòn. Vì thế tôi đã rất thản nhiên vô tâm, không cần biết phụ sản nghĩ gì, không hình dung ra được mình đang dứt bỏ sự sống của một thai nhi có trái tim đang đập nhẹ nhàng, đều đặn theo nhịp tim của mẹ nó.

Tôi còn nhớ người mẹ thai nhi hôm ấy còn trẻ lắm, chỉ mới khoảng 18 tuổi, nét mặt ngây thơ bước vào phòng hút thai, cô bé ngơ ngác một thoáng rồi cúi gầm mặt xuống trước ánh mắt khinh chê và những lời nói xúc phạm nặng nề của các Bác sĩ, Y tá và Hộ lý. Cô bé sợ sệt hỏi: “Em phải nằm ở đâu ạ?” Chị Y tá trả lời cộc lốc: “Qua bên kia!”

Tôi Đã Tham Gia Nạo Phá Thai

Cô bé trèo lên giường, nằm xuống với hai bàn tay nắm chặt chiếc áo váy của bệnh viện mới cho mượn, mắt nhắm nghiền lại, lâu lâu mở ra nhìn xem có ai đứng cạnh động viên và an ủi mình không. Nhưng quanh quẩn toàn là những chiếc áo trắng đang bận rộn với việc chuẩn bị các dụng cụ hút thai, không ai thèm để ý tới em. Giật mình vì câu hỏi bất ngờ của vị Bác sĩ: “Thai mấy tuần?” Em rụt rè nhỏ nhẹ đáp lại: “Dạ tám tuần…” Bác sĩ lại sẵng giọng: “Cố gắng chịu đựng chút nghe chưa!” Câu nói như một sự khởi đầu cho một cơn đau.

Khi những que inox tiệt trùng lạnh tanh được ấn vào để nong rộng cổ tử cung, cô bé thấy đau nên gồng mình ưỡn mông lên, thế là Bác sĩ tuôn ra một trận mắng xối xả: “Có nằm im không, tôi khỏi hút đó, có gan làm thì…có gan chịu chớ!”

Tôi biết em đau lắm, đau thể xác lẫn tâm hồn. Nhưng tôi không thể dừng tay để tìm lời an ủi em được vì đang còn bận rộn mải mê với việc đặt ống hút vào tử cung của em. Bật công tắc lên, tiếng máy hút xình xịch, tôi nhìn thấy trôi trong ống hút là từng mảnh thân thể của thai nhi. Người mẹ trẻ đau, thai nhi cũng đau, và những người trong phòng cũng đâm ra thoáng một chút trầm tư, không còn ồn ào như trước, chắc họ cũng hiểu được họ đang làm gì.

Từng mảnh thịt đỏ hồng của cháu bé tám tuần tuổi cứ dần dần bị hút tọt vào trong một chiếc bình. Quái lạ, sao lúc ấy tôi lại vẫn lạnh lùng thản nhiên đến thế nhỉ? Thậm chí tôi còn háo hức vui mừng vì mình đã hút ra thành công một thai nhi. Riêng cô bé thì cứ chốc chốc lại nhổm lên nhổm xuống kêu la: “Đau quá chị ơi!” Vẫn không một ai màng quan tâm tới lời van nài đó.

Thế rồi mọi chuyện cũng kết thúc, em vẫn còn đang đau đớn lắm, đã phải ngồi dậy tự mặc quần áo, và đi tới chiếc xe lăn với dáng người uể oải thểu não. Tôi nghĩ thầm trong đầu: “Cô bé này cũng giỏi đấy chứ, đau thế mà còn đi nổi”. Tôi và mọi người bình tâm quay trở về với công việc chuẩn bị cập rập cho một ca nạo thai kế tiếp. Bên ngoài những người ngồi chờ để “được” nạo hút thai vẫn còn đông lắm…

Tôi Đã Tham Gia Nạo Phá Thai

Trong những năm qua, tôi sung sướng và tự hào với những thành tích học tập cùng với những học bổng tiên tiến bao nhiều thì giờ đây, chỉ hai tháng nay, tôi thấy luôn đau khổ, dày vò và tuyệt vọng bấy nhiêu sau khi biết đến chương trình Bảo Vệ Sự Sống. Những tội lỗi này tôi có xóa sạch được không? Chúa sẽ tha thứ cho tôi, nhưng còn chính tôi, tôi có thể tha thứ cho mình được không? Tại sao công việc này, đối với thai phụ lẫn nhân viên y tế, đều làm cho cả hai bên đau khổ mà nó vẫn cứ được nhiều người chấp nhận nhỉ?

Rồi sẽ có một ngày tôi và các bạn sinh viên Y khoa sẽ trở thành các Bác sĩ chuyên khoa sản, riêng tôi sẽ phải hành xử trong nghề nghiệp của mình như thế nào đây?

Một sinh viên Y khoa sắp ra trường