Số Xui
Số Xui
Tôi đến trễ…
Y sĩ Cường đang làm bệnh án cho bệnh nhân. Tôi thay áo chuyên môn. Y sĩ Cường chạy đến nói nhỏ với tôi:
- Con bé này nó đau bụng ông ơi, có siêu âm cho nó không?
- Ừ! Siêu âm. Nói bệnh nhân uống nhiều nước vào.
Tôi mới học xong lớp siêu âm, phòng khám lại mới trang bị máy, nên tôi… khoái siêu âm lắm. Đau đầu, đau bụng gì cũng siêu âm tất tần tật. Không biết đọc cũng đọc, để mà học.
Ngồi vào ghế, sửa cổ áo, bật máy… như một bác sĩ siêu âm chuyên nghiệp, tôi cao giọng:
- Cho bệnh nhân vào siêu âm đi anh!
Cánh cửa phòng siêu âm mở ra, một cô bé bước vào, vẻ mặt còn ngây thơ. Mọi câu hỏi về bệnh nhân đã được lập trình sẵn như tên, tuổi, nơi ở… được hỏi, và cuối cùng là yêu cầu cô bé nằm xuống giường. Tôi bôi gel lên bụng, cầm đầu dò, hít một hơi thật sâu để trấn tĩnh mình cho đỡ run…Tôi đã qua khóa học siêu âm ba tháng, chưa từng cầm đầu dò một lần, cái máy siêu âm tôi mới mua hộ cho phòng khám cũng mới, lần đầu tiên có trên thị trường Việt Nam. Lại thêm ba cái lời chỉ dẫn bằng tiếng Al-le khó hiểu, mà tôi thì chẳng thông minh về mấy cái chữ nghĩa này cho lắm. Nhớ lời thầy dạy, cũng như tự tạo cho mình “giải vàng về phong cách”, tôi di chuyển đầu dò lên xem gan, xem thận… (thú thật đây là những nơi dễ thấy nhất trong siêu âm?!) rồi xuống vùng hạ vị…
- Ồ! Cái gì đây? Thai hả?
- Bé Dương ơi! Vào đây xem thai nè! (tôi gọi một cô nữ hộ sinh trong phòng khám)
Tôi như Columbus tìm ra Châu Mỹ. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi cầm đầu dò siêu âm mà thấy được thai nhi. Tôi xoay màn hình cho cô bé xem, cho Thùy Dương xem, và giải thích:
- Ồ! Bé đưa tay vào miệng nè. Ồ! Bé chép miệng nè! Ồ! Tim bé đập nè!”
Tôi say sưa tìm kiếm những hình ảnh đẹp, say sưa giảng giải cho Thùy Dương và cô bé…Quay sang cô bé để chia sẻ niềm vui nhưng như một thùng nước lạnh dội vào đầu, trước mắt tôi là hình ảnh những giọt nước mắt đang lăn dài trên khuôn mặt ngây thơ của cô bé. Cô bé lặng thinh không một tiếng nấc. Tôi đã hiểu…
Đêm… Tôi không ngủ được bởi vì tiếng tích tắc của đồng hồ, bèn ngồi dậy. Đồng hồ chỉ 1 giờ… Tôi tháo pin ra để nó khỏi chạy, để khỏi phải nghe cái tiếng tích tắc đáng ghét làm tôi càng thêm nhức đầu. Câu hỏi: “Bác sĩ ơi, con có thể bỏ cái thai này được không?” cứ lởn vởn trong đầu làm tôi thật khó nghĩ. Nếu là trước đây mười năm thì chuyện này đối với tôi rất bình thường và không làm tôi phải khó ngủ thế này. Ngày ấy, không biết tôi đã ký biết bao nhiêu đơn phá thai rồi.
Tôi là bác sĩ trưởng phòng Kế Hoạch Hóa Gia Đình, ngày đêm ký giấy phá thai tôi vẫn ngủ ngon giấc. Có người trong nhà thờ hỏi tôi: “Là bác sĩ Tin Lành mà đi làm việc nạo phá thai, bộ không sợ phạm tội giết người hay sao?” Tôi thẳng thắn trả lời: “Không!”
Ba tôi cũng vậy. Ông cực khổ nuôi tôi học ra Bác sĩ, khó khăn lắm mới xin được việc làm ở quê nhà. Khi biết tôi làm trưởng phòng điều động việc “Sinh đẻ kế hoạch – nạo phá thai”, ông bảo: “Thôi con bỏ việc đi, làm vậy là giết người đó con”. Tôi cười: “Có lẽ Chúa đã đặt để con làm rào chắn cuối cùng cho ngưỡng cửa của Thiên Đàng và Địa Ngục đó ba ạ!”.
Có thể dưới con mắt của mọi người thì tôi đang tự ngụy biện cho công việc của mình, tôi là thằng liều mạng mà, bởi “Thiên Đàng tôi không mơ, Địa Ngục tôi chả sợ”. Tôi sống theo ý nghĩ và tâm niệm của mình. Tôi tâm sự với ba tôi: “Con tránh làm là được rồi, nhưng con sẽ là rào chắn cuối cùng khi người ta quyết định phá thai”.
Mọi thủ tục nạo phá thai phải được tôi ký duyệt, tôi đã làm mọi việc, kể cả lừa dối người ta bằng cách thai nhỏ nói lớn, hù dọa nguy hiểm sinh mạng… chỉ mong rằng người ta từ bỏ ý định phá thai. Hai năm làm việc, tôi cũng thấy mệt mỏi, cảm giác mình dần dần trở thành cha đạo, mục sư hơn, bởi vì ngoài lời nói, môi miệng giảng luận đạo đức, tôi không có biện pháp tích cực và cụ thể nào để giúp đỡ họ. Đối diện không được thì chạy trốn hiện thực, tôi thuyên chuyển công tác lên vùng cao sống, làm việc với người dân tộc, với núi rừng và cây cỏ.
Vợ tôi tỉnh giấc, thấy tôi trằn trọc không ngủ, bèn hỏi:
- Chuyện gì vậy anh? Sao anh không ngủ
Tôi kể chuyện cô bé mang thai và nói: “Hay mình nhận nó làm con nuôi ha em?”.
- Sao anh không lập một Cô nhi viện nuôi luôn? Một đứa con còn nuôi không nổi nữa là…”. (Vợ tôi cười).
Ngày mai… Ngày mai tôi sẽ khuyên cô bé đó như thế nào đây? Phá thai? Giết người? Có thể cô bé sẽ chịu đau đớn, tổn thương một lần thôi, rồi mọi sự sẽ đi vào quên lãng.. Rồi cô bé sẽ lớn lên, và sẽ có gia đình. Giữ lại thai nhi, có thể tôi thỏa mãn một tí nào lương tâm của tôi với Chúa, rằng tôi là một người tốt. Rằng tôi là người Tin Lành nên tôi không thể làm việc ấy. Cô hãy đi nơi khác, ở đây tôi không làm! Hay là lật lại bài cũ, rằng thai này quá lớn, phá sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
Ở độ tuổi 18 trăng tròn, cái độ tuổi ăn chưa no – lo chưa tới, ở nhà trọ với chị gái và làm công nhân với mức lương bọt bèo chỉ 800.000 đồng/1 tháng… Nuôi bản thân chưa xong thì làm gì nuôi nổi em bé! Như tôi đây, đường đường là một Bác sĩ, thế mà nuôi vợ một con còn muốn chảy nước mắt, kể chi là cô bé. Tôi thở dài. Hay một lần nữa làm cha đạo đi. Thôi thì trời sanh voi sanh cỏ. Để vậy đẻ ra nuôi đi.
Có lần sếp tôi bàn với tôi về chương trình “Bảo vệ sự sống – thai nhi”, tôi gạt phăng và không tham gia, bởi vì tôi đã từng một thời mệt mỏi và đau khổ về tinh thần rồi, tôi cũng già rồi không còn trẻ nữa để đủ sức chịu tra tấn tinh thần! Tôi đã chạy trốn rồi thì không dại gì mà “rúc đầu vào rọ” nữa.
12 giờ trưa. Tiếng chuông reo…
Theo lời hẹn, cô bé đến gặp tôi. Cái tuổi 18 đầy mộng mơ không giúp cô bé đủ hiểu được mình đang mang trong người một sinh mạng đã 2 tháng. Cô bé vẫn đi làm, vẫn đạp xe hơn sáu cây số.
Mời cô bé vào phòng, tôi nở một nụ cười xã giao đầy giả tạo bởi vì đó là bệnh nhân mà tôi không mong muốn gặp. Tôi sẽ nói gì với cô bé? Có lẽ đối với cô bé, tôi như cái phao cuối cùng mà cô bé có thể bám vào. Đôi vai tôi như trĩu xuống.
- Con quen anh ấy cách đây 2 năm
Cô bé bắt đầu kể: “Anh ấy làm thợ điện đối diện nhà con ở Vũng Tàu. Rồi anh ấy chuyển lên Sài Gòn. Rồi anh ấy rủ con lên. Rồi tụi con cãi nhau. Rồi một tháng nay tụi con không liên lạc. Rồi anh ấy chuyển chỗ ở. Rồi mấy hôm trước con có đi tìm nhưng không gặp được. Rồi hôm nay con mới biết mình có thai…”
Cô bé kể một việc với một loạt “rồi”. Vậy là xong rồi, không còn có thể khác nữa. Rồi… bác sĩ tính sao? Có lẽ đó là câu hỏi cuối cùng của cô bé.
Bây giờ tôi tính làm sao? Cô bé quá nhỏ để tự quyết định cuộc đời mình. Nhìn hình ảnh em bé cựa quậy trong lòng mình, cô bé nói: “Hèn chi con nghe có cái gì đó trong bụng con”. Cô bé khóc không thành tiếng khi nhìn thấy sinh mạng lớn dần trong bụng mình mà mình không có đủ khả năng giữ nó. Tôi thở dài dù không muốn gây áp lực và làm cô bé đau lòng: “Nó là một con người rồi đó con”. Nó đã là một con người. Không phải một hòn máu như bao nhiêu người từng nghĩ. Nó có cảm giác, linh cảm của một con người. Nó cũng muốn được sống, được bảo vệ.
Ai? Ai sẽ là người bảo vệ đứa bé? Tôi – người nhìn thấy? Bạn – người được nghe? Làm một người Samari hay người Lêvi – nghe, nhìn thấy rồi bỏ đi?
Một tháng sau…
Cô bé đạp xe băng qua phòng khám nơi tôi làm việc, ánh mắt như tìm kiếm điều gì. Tôi là người khô khan, chẳng có khiếu an ủi người khác nên đanh phảo nhờ chị Nga – một tư vấn viên bất đắc dĩ trong phòng khám – chạy theo hỏi thăm cô bé. Sau khi trao đổi, tôi mới biết cô bé đã tìm người ấy bằng mọi cách mà không sao liên lạc được. Bây giờ cô bé chẳng còn con đường nào khác để lựa chọn. Niềm hi vọng cuối cùng đã tắt.
Rõ là cô bé đó xui. Vào phòng khám này gặp tôi, để tôi gieo vào lòng một nỗi bất an, cảm giác tội lỗi khi nghĩ đến việc phá bỏ bào thai bởi lẽ bào thai này đã là một con người, con người thật sự chứ không phải một hòn máu. Hủy nó đi tức là chính tay mình giết đi con mình. Nếu ngày đó cô bé vào một nơi khác, 20 phút là xong, mọi việc sẽ trôi vào quên lãng. Một hòn máu thôi mà.
Rõ là tôi cũng xui. Hết bệnh khám mà khám phải cô bé này để rồi phải suy nghĩ, phải mất ăn mất ngủ. Giữ lại em bé? Trong đầu tôi hàng trăm vấn đề xuất hiện. Nhưng biết làm sao hơn khi cô bé đã đồng ý giữ lại em bé, nhưng rồi lại nói trong nước mắt: “Gia đình con chưa biết. Con chẳng biết nói thế nào”.
15 ngày sau…
Cô bé trở lại báo với tôi là bị ra máu. Kết quả siêu âm cho biết nhau thai bám thấp hơn bình thường. Em bé thật vô tư, nó đòi quyền được sống. Bé đâu biết rằng mẹ bé phải đối diện với biết bao nan đề trong cuộc sống. Có lẽ bé chỉ có một ý nghĩ là bé phải sống.
Tôi lại thở dài. Dường như đó là điệp từ trong cuộc đời tôi.
Nhau thai bám thấp là hiện tượng sinh lí tất yếu khi người mẹ không có khả năng cung cấp dinh dưỡng cho con. Bé phải lớn lên, tăng sinh để đòi dinh dưỡng. Tôi phải làm gì đây?
10 ngày ở Huế về…
Tôi gặp lại cô bé tại phòng khám. Chị Nga đã làm xong công tác vận động. Tôi tò mò: “Chị giỏi quá! Nói thế nào với gia đình mà người ta đồng ý vậy?”. Chị kể rất nhiều rồi kết luận: “Liều mạng với gia đình họ… Cứ xem như là một tai nạn đi, thay vì gãy một tay một chân thì em bị mang thai…” và “bây giờ anh chị là nơi bám víu cuối cùng của em”.
Cứu người như cứu lửa. Vậy thôi, chẳng biết tương lai sẽ giải quyết như thế nào. Đành là tới đâu hay tới đó.
Rồi mai đây em bé ra đời, chắc chắn một điều cô bé không nuôi em bé. Và chúng tôi phải nuôi. Một đời con người không phải là đơn giản, em bé sẽ mang họ ai? Làm cách nào làm khai sinh?
Rõ là tôi xui, chạy hoài chẳng thoát.
Lê Thương Thương
TP.HCM, tháng 7/2006