THỰC TRẠNG PHÁ THAI Ở VIỆT NAM
THỰC TRẠNG PHÁ THAI Ở VIỆT NAM
Theo Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, hiện nay, tỷ lệ nạo phá thai ở nước ta đang dẫn đầu khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 5 thế giới. Theo một thống kê, ước lượng tích lỹ tổng số lượng phá thai cho đến năm 2010 là 25.454.019 ca. Đáng lo ngại hơn khi lứa tuổi vị thành niên, thanh niên ( từ 13 – 14 tuổi) chiếm tới 22% số vụ nạo phá thai và đang trong xu hướng tăng mạnh.
Việt Nam đứng đầu thế giới về thực trạng nạo phá thai (2010)
Khảo sát của Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho thấy, trong hơn 5.000 ca nạo, phá thai mỗi năm có tới 30% thai phụ dưới 24 tuổi. Còn tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, số phụ nữ dưới 20 tuổi nạo phá thai chiếm khoảng 18%. Đặc biệt, trong nghiên cứu mới đây của Th.S Nguyễn Mỹ Hương, Ủy ban quốc gia Dân số kế hoạch hóa gia đình về “Những yếu tố ảnh hưởng đến mang thai vị thành niên” cho thấy, mỗi năm cả nước có khoảng 300.000 ca nạo hút thai ở độ tuổi từ 15-19, nguy hiểm hơn khi nhiều người ở độ tuổi vị thành niên đã phải “giải quyết” nhiều lần làm tăng nguy cơ vô sinh sau này. Khu vực có tỉ lệ nạo phá thai cao nhất là Trung du và miền núi phía Bắc, sau đó là Đồng bằng Sông Hồng. Tổ chức y tế thế giới còn cảnh báo rằng, nạn phá thai không an toàn ở Việt Nam vẫn còn ở mức cao, và gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng với các tai biến đáng tiếc, thậm chí tử vong cho bà mẹ trẻ.
Hội Kế hoạch hóa Gia đình Việt Nam cho rằng, số liệu trên chỉ phản ánh một phần tình trạng nạo phá thai của vị thành niên và thanh niên vì thống kê chủ yếu được lấy từ các bệnh viện, trung tâm y tế nhà nước trong khi con số ở các cơ sở y tế tư nhân còn cao hơn rất nhiều và không thể kiểm soát.
Nhiều người thử đưa ra nhiều nguyên nhân của phá thai: lối sống thoáng với ảnh hưởng của trào lưu văn hóa Tây phương, thiếu định hướng và lý tưởng sống…Một trong những nguyên nhân chính là kiến thức về sức khỏe sinh sản và tính dục ở thanh thiếu niên của nước ta còn thấp. Các kiến thức mà người trẻ có được đa số đến từ các nguồn phi chính thống: bạn bè, internet, sách báo…Gia đình, nhà trường và các tổ chức đoàn thể ít đề cập đến vấn đề nhạy cảm này, và nếu có, cũng còn ở mức độ khá khiêm tốn và giới hạn trong một cộng đồng nhỏ. Người ta có thể đổ thừa trách nhiệm là của chính những đương sự, người trẻ trong cuộc. Nhưng xét cho cùng, trách nhiệm chính nằm ở người lớn. Gia đình và các tổ chức xã hội cần đưa ra những hướng dẫn, cung cấp thông tin và lời khuyên đúng đắn, phù hợp, đúng thời điểm cho người trẻ. Và quan trọng hơn, một định hướng rõ ràng về lý tưởng sống, gương mẫu và niềm tin nơi người lớn sẽ là “vũ khí ” phòng thủ chính cho người trẻ trước những cám dỗ của cuộc sống quanh mình. (Nói như vậy để thêm rằng, giáo hội cần phải tiên phong tham gia vào quá trình này cách tích cực trong việc giáo dục giới tính và giá trị của đời sống.)
Thết bị công nghệ làm tăng khoảng cách quan tâm gia đình trong thời đại ngày nay…
Gia đình thiếu quan tâm cũng là một nguyên nhân quan trọng. Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn, trưởng khoa tâm lý Đại học sư phạm TP.HCM cho rằng: “Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nạo phá thai ở giới trẻ là sự giáo dục của gia đình còn quá lỏng lẻo, ít quan tâm tới các em, nhất là lúc các em đang tuổi cặp kè yêu đương, các em muốn có người đồng hành để chia sẻ.”
Để hạn chế phá thai, chúng ta cần trụ cột của bản thân, gia đình, và cộng đồng xã hội, trong đó có Hội Thánh. Với bản thân, chúng ta cần giúp để xây dựng một nền tảng vững chắc cho người trẻ về niềm tin và lý tưởng sống. Gia đình cần quan tâm, là chỗ dựa vững chắc cho người trẻ lớn lên. Bố mẹ không những là người hướng dẫn mà còn là người bạn đồng hành với con cái. Cộng đồng xã hội cần bỏ sự kỳ thị về giáo dục giới tính cho trẻ, và cần có thêm nghiên cứu để chuyển tải thông điệp về giới tính cho thanh thiếu niên cách hợp lý và hấp dẫn. Tăng cường việc đưa giáo dục vào sinh hoạt vui chơi, đồng thời,các cơ quan liên quan cần ngăn chặn các cơ sở y tế tư nhân hành nghề nạo phá thai trái phép. Giáo hội cần phải tiên phong trong lĩnh vực quan trọng này.
VÕ NHÂN TỪ
Tổng hợp từ nhiều nguồn.